Sự tương đồng với triều Hán Nhà_Đường

Nhà Đường và nhà Hán có nhiều điểm rất giống nhau:

  • Ngay trước nhà Hán là 1 triều đại có công thống nhất đất nước nhưng cai trị khắc nghiệt nên chỉ tồn tại được 2 đời vua (nhà Tần), ngay trước đời Đường cũng là 1 triều đại giống hệt như vậy (nhà Tùy)
  • Ngay sau nhà Hán là thời kỳ Tam Quốc, còn ngay sau nhà Đường là thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, 2 thời kỳ này đều kéo dài khoảng 60 năm và mang đặc điểm chiến loạn liên miên (Tam Quốc - Ngũ Đại). Cuối 2 thời Tam Quốc - Ngũ Đại, các triều Tây TấnBắc Tống đều là một lực lượng quý tộc xuất hiện trong lòng chính quyền cai trị miền bắc, dần dần lớn mạnh và soán vị Triều đại hiện hành tại miền bắc (Tấn Võ Đế phế vua Ngụy kiến lập Tây Tấn và Tống Thái Tổ phế vua Hậu Chu). Sau đó nam chinh để tái thống nhất Trung Quốc. Các Triều đại phía Nam như Thục Hán, Đông Ngô hay Thập Quốc có kinh tế và văn hóa phát triển nhưng không có khả năng quân sự để thực hiện thống nhất nên chỉ có thể bị động chờ đợi đợt xâm chiếm từ phía bắc. Mặc dù có thể tái thống nhất và thiết lập được một thời kỳ thịnh vượng tương đối, nhưng nhà Tấn và nhà Tống không có khả năng chế ngự được các áp lực mạnh mẽ từ những nước do người Hồ thành lập ở phía bắc, và sau một thời kỳ ổn định tạm thời, đều phải dời về phía Nam do bị các dân tộc phía bắc xâm chiếm Trung Nguyên thành nhà Đông Tấn và Nam Tống, với quốc lực yếu kém hơn hẳn thời kỳ đầu. Việc bị chiếm hẳn phương bắc là điều chưa từng xảy ra đối với hai triều Hán - Đường, vì vậy nhà Tống cũng như nhà Tấn cũng được xem là "phần đuôi suy yếu" của hai Triều đại lớn mạnh hơn trước đó.
  • Cả nhà Hán và nhà Đường đều chia làm 2 giai đoạn. Nhà Hán bị phân chia thành Tây Hán và Đông Hán một cách rõ rệt (ở giữa là 15 năm bị Vương Mãng soán ngôi). Nhà Đường cũng không hoàn toàn cai trị liên tục, thời điểm thường được xem là sự gián đoạn tương đối của nhà Đường là thời Võ Tắc Thiên làm hoàng đế đã đổi quốc hiệu thành Chu, cũng kéo dài 15 năm (690 – 705).
  • Cả nhà Hán và nhà Đường trong giai đoạn đầu đều có họa "Hoàng hậu loạn triều", tức là hoàng hậu khống chế triều chính, nhà vua là con của họ đều chỉ là vua bù nhìn (nhà Hán là Lã hậu, nhà Đường là Võ Tắc Thiên).
  • Cả nhà Hán và nhà Đường trong giai đoạn giữa đều rất cường thịnh, lãnh thổ mở rộng và được người dân Trung Quốc tôn vinh. Ngày nay, dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc tự gọi họ là Dân tộc Hán, hoặc "Đường nhân", là tên của 2 triều đại này.
  • Cả nhà Hán và nhà Đường trong giai đoạn cuối đều bị suy yếu bởi nạn hoạn quan khống chế triều chính.
  • Cả nhà Hán và nhà Đường trong giai đoạn cuối đều bùng nổ 1 cuộc khởi nghĩa nông dân lớn (nhà Hán là Khởi nghĩa Khăn Vàng, nhà Đường là Khởi nghĩa Hoàng Sào). Cả 2 cuộc khởi nghĩa đều thất bại, nhưng đã làm lung lay tận gốc triều đại, mở đường cho nạn tướng lĩnh quân phiệt cát cứ ở các địa phương, và cuối cùng thì 1 quân phiệt mạnh nhất đã soán ngôi nhà vua (nhà Hán là Tào Tháo, nhà Đường là Chu Ôn). Quá trình tan vỡ nền cai trị này ở cả 2 triều đại đều diễn ra trong khoảng 35 năm. Hoàng tộc nhà Đường có phần bi thảm hơn do phần lớn hoàng gia và đại thần đều bị Chu Ôn sát hại (có lẽ chỉ trừ những con cháu nhà Đường cư ngụ ở miền nam là tránh được bàn tay của Chu Ôn).
  • Sau khi 2 triều đại sụp đổ đều có 1 thành viên hoàng tộc đứng lên tái lập triều đại, cố gắng khôi phục lại đất nước nhưng không thành (nhà Hán có Lưu Bị thành lập nhà Thục Hán, nhà Đường có Lý Biện thành lập Nam Đường - ông tự xưng là cháu nhiều đời của Đường Hiến Tông. Cả Thục Hán và Nam Đường đều tồn tại được khoảng 40 năm.

Nhà Đường đã xây dựng được một cơ sở vững chắc hơn cho sự thống nhất vì vậy thời gian chia cắt sau đó ngắn hơn thời Hán và cũng không có thêm thời kỳ chia cắt lần 2 như Nam Bắc Triều sau khi Đông Tấn diệt vong. Nền tảng cho văn hóa Trung Hoa cũng được xây dựng đến mức độ toàn mỹ nhất, vì vậy Nhà Tống kế thừa điều đó trở nên thịnh vượng và lâu dài hơn nhà Tấn. Do vậy Đường - Tống đã trở thành thời kỳ phát triển cao nhất, hoàn bị nhất của văn minh Trung Hoa.